VIỆN SINH THÁI RỪNG VÀ MÔI TRƯỜNG
Institute for Forest Ecology and Environment
Viện Sinh thái rừng và Môi trường được thành lập theo Theo quyết định số 1583/QĐ/BNN-TCCB ngày 01/6/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
1. Tên đơn vị
- Tên tiếng Việt: Viện Sinh thái rừng và Môi trường;
- Tên tiếng Anh: Institute for Forest Ecology and Environment;
- Tên viết tắt: IFEE
2. Địa chỉ:
- Thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội.
- Điện thoại: (24) 22.458.161
- Fax: (04) 33.722.270
- Email: info@ifee.edu.vn;
- Website: http://ifee.edu.vn và http://vstrmt.vnuf.edu.vn
3. Năm thành lập, tư cách pháp nhân
- Viện Sinh thái rừng và Môi trường được thành lập theo Theo quyết định số 1583/QĐ/BNN-TCCB ngày 01/6/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
- Viện Sinh thái rừng và Môi trường trực thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp, là đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để hoạt động theo quy định của Pháp luật.
GIỚI THIỆU CHUNG
CƠ CẤU TỔ CHỨC
10 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Sự ra đời của Viện Sinh thái rừng và Môi trường là nhằm "Góp phần tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Lâm nghiệp, đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước”.
Chức năng chủ yếu của Viện Sinh thái rừng và Môi trường là đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo, chuyển giao công nghệ; hợp tác quốc tế; tư vấn và dịch vụ về sinh thái rừng, môi trường. Các lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Viện Sinh thái rừng và Môi trường gồm sinh thái rừng, tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, ứng dụng công nghệ thông tin trong lâm nghiệp v.v...
Viện Sinh thái rừng và Môi trường có lực lượng cán bộ cơ hữu hơn 40 người và hàng chục cộng tác viên là các cán bộ khoa học và giảng viên của các khoa Lâm học, khoa Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, khoa Kinh tế lâm nghiệp v.v... thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp. Viện cũng được Nhà nước đầu tư nhiều trang thiết bị và vật tư phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Từ ngày thành lập, cán bộ Viện Sinh thái rừng và Môi trường đã tham gia đào tạo đại học và sau đại học, bồi dưỡng cán bộ cho các địa phương, thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ, tham gia một số dự án trọng điểm của Ngành. Cán bộ Viện Sinh thái rừng và Môi trường đã tham gia giảng dạy hàng vạn giờ cho các lớp đại học, trên đại học, các lớp tập huấn kỹ thuật cho cán bộ địa phương. Lĩnh vực đào tạo của Viện gồm sinh thái rừng, thực vật và động vật rừng, điều tra kiểm kê rừng, vườn ươm, vườn giống và chọn giống cây rừng, khí tượng thủy văn rừng, đánh giá tác động môi trường, quản lý lưu vực, phòng chống lửa rừng, dịch vụ môi trường rừng v.v... Hình thức đào tạo của Viện cũng tương đối đa dạng từ giảng dạy chính khóa, hướng dẫn tốt nghiệp, hướng dẫn luận án, tập huấn ngắn hạn v.v... Hoạt động đào tạo đã giúp cho cán bộ Viện củng cố năng lực chuyên môn, hoàn thiện kiến thức, kết nối lý thuyết với thực tiễn, tăng cường quan hệ với các địa phương.
Nhìn lại chặng đường 10 năm hoạt động và phát triển, Viện Sinh thái rừng và Môi trường đã đạt được những thành tựu đáng kể, giành được tín nhiệm trong một số lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ của Ngành. Viện đã thực hiện 02 nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước, 14 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, 06 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh và thành phố, 05 Dự án trọng điểm của Nhà nước và Bộ NN&PTNT và 22 hợp đồng Dịch vụ Khoa học và Công nghệ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, cụ thể như sau:
Viện đã được Cục Bản quyền tác giả cấp 03 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho các Phần mềm “Kiểm tra dữ liệu điều tra kiểm kê rừng”, “Quản lý dữ liệu điều tra kiểm kê rừng Việt Nam” và Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu “Chi trả dịch vụ môi trường rừng Việt Nam – http://dpfes.vnforest.gov.vn/”...
Viện đã tham gia nghiên cứu giải quyết các vấn đề khoa học liên quan đến phòng chống cháy rừng, chắn sóng và giảm lũ, phát triển giống cây lâm nghiệp, bảo tồn và phát triển động vật hoang dã, dịch vụ môi trường rừng, điều tra - kiểm kê rừng, quy hoạch lâm nghiệp, công nghệ thông tin trong lâm nghiệp, REDD+, xây dựng chính sách lâm nghiệp v.v... Kết quả nghiên cứu khoa học của Viện đã được ứng dụng trực tiếp vào một số hoạt động thực tiễn của ngành như điều tra kiểm kê rừng, xác định tỷ lệ che phủ rừng cần thiết của Việt Nam và các địa phương, chi trả Dịch vụ môi trường rừng, ứng dụng công nghệ thông tin trong lâm nghiệp, công nghệ GIS viễn thám v.v...
Viện đã tham gia thực hiện những dự án trọng điểm của Quốc gia và của ngành:
- - Dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc”: Viện đã thực hiện điều tra và hỗ trợ kiểm kê rừng trên địa bàn 14 tỉnh với chất lượng tốt và tạo được uy tín đối với Trung ương và Địa phương.
- - Dự án “Phát triển giống cây lâm nghiệp”: đã bình tuyển và công nhận được 7 loài với 310 cá thể cây trội tại các tỉnh Yên Bái, Nghệ An, Hà Giang, Lai Châu, Bắc Giang, Đồng Nai; Xây dựng và chăm sóc 13 ha rừng giống chuyển hóa (Đã có chứng chỉ công nhận năm 2015) tại Yên Bái và Nghệ An; Chăm sóc và bảo vệ 15,9 ha vườn giống giai đoạn 2006 – 2010 tại Thanh Hóa, Lạng Sơn và Phú Thọ; Xây dựng 10 ha vườn giống tại Yên Bái, Nghệ An, Bắc Giang; Xây dựng 13 ha rừng giống tại Lai Châu, Đồng Nai; Xây dựng 8 ha vườn sưu tập cây đặc sản rừng tại Hà Nội và Lai Châu; Xây dựng 2 nhà màng phục vụ ươm giống cây lâm nghiệp chất lượng cao tại Sơn Tây và Đồng Nai.
- - Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” Viện đã tham gia thực hiện “Xây dựng kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh” ở 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Đắk Nông.
Ngoài ra, Viện đã thực hiện các dự án quy hoạch lâm nghiệp sau kiểm kê rừng cho một số tỉnh, xây dựng một số tiêu chuẩn ngành, trong đó có tiêu chuẩn rừng ngập mặn chắn sóng và tiêu chuẩn rừng chắn cát ven biển.
Năm 2016, Viện đã đạt danh hiệu Đơn vị Lao động Tiên tiến xuất sắc cấp Bộ; 02 tập thể lao động xuất sắc, 06 tập thể lao động tiên tiến, 05 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, 37 cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, 05 cá nhân có sáng kiến được công nhận ở cấp Cơ sở.
Viện đã mở rộng được mối quan hệ và hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp, các tổ chức phi chính phủ như WWF, PanNature, GIZ, Winrock International, FAO tại Việt Nam, UNEP, FCPF, SNV v.v...
Việc tham gia tích cực vào công tác nghiên cứu khoa học và giải quyết những vấn đề thực tiễn của ngành đã giúp cho đội ngũ cán bộ Viện thu được những kiến thức và kinh nghiệm. Họ trưởng thành dần cả về trình độ chuyên môn cả về năng lực tổ chức thực hiện thành công các chương trình, dự án. Nhiều cán bộ đã sử dụng những số liệu khoa học của Viện để hoàn thành các luận văn thạc sỹ, tiến sĩ, đã công bố các kết quả nghiên cứu khoa học trên các ấn phẩm của ngành và Nhà trường. Phần lớn những nhiệm vụ do Viện thực hiện đã được tổ chức một cách khoa học và đạt kết quả tốt, đáp ứng yêu cầu của Ngành và được các địa phương đánh giá cao. Những quan điểm và kiến thức thu được từ công tác nghiên cứu và hoạt động thực tiễn của Viện cũng góp phần cải tiến và nâng cao chất lượng của giáo trình, bài giảng và chất lượng đào tạo nói chung của Nhà trường.
Trong bối cảnh Khoa học công nghệ hiện nay đang không ngừng mở rộng ra nhiều lĩnh vực mới mẻ, luôn chào đón cũng như hỗ trợ, thúc đẩy các đơn vị nghiên cứu và các nhà khoa học có uy tín, có trình độ công nghệ cao nhằm mang lại các sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích cho xã hội. Đồng thời, thị trường khoa học công nghệ cũng không ngừng sàng lọc và loại bỏ một cách khách quan các đơn vị, cá nhân không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, cũng như không bắt kịp được xu thế phát triển của thời đại. Nhận thức rõ bối cảnh, cơ hội, thách thức của thực tế khách quan tập thể cán bộ Viện cũng đã đồng lòng, chung sức để xác định và đưa ra các mục tiêu, chiến lược nghiên cứu phù hợp với thực tế và xu hướng phát triển của ngành nói riêng và thế giới nói chung. Nền tảng tri thức và định hướng phát triển chính của Viện trong giai đoạn 2017 – 2020 và 2020 – 2025 được xác định như sau: (1) Xác định việc ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu là yếu tố sống còn; (2) Tập trung nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm khoa học công nghệ góp phần giải quyết các tồn tại, bức thiết trong thực tế để thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống người dân trong các lĩnh vực: Sinh thái rừng, Môi trường rừng, Lâm nghiệp công đồng, Thích ứng và ứng phó với Biến đổi khí hậu, Dịch vụ môi trường rừng, Chính sách lâm nghiệp; (3) Bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ cao (thông qua chiến lược đào tạo, bồi dưỡng của Viện; cũng như liên danh liên kết với các đối tác, các nhà khoa học đầu đàn có uy tín theo từng lĩnh vực) được xác định là chìa khóa nâng cao năng lực của Viện và đảm bảo chất lượng của các sản phẩm khoa học của Viện; (4) Đẩy mạnh hoàn thiện các quy chế quản lý khoa học, quản lý tài chính, quy chế phối hợp, quy chế tuyển dụng và quản lý cán bộ, quy chế bồi dưỡng và đào tạo phát triển nguồn nhân lực … để tạo động lực phát triển bền vững cho Viện. Hướng nghiên cứu Khoa học công nghệ trọng tâm của Viện trong giai đoạn 2017 – 2020 sẽ tập trung vào các lĩnh vực: (1) Nghiên cứu phát triển công nghệ và dịch vụ về sinh thái rừng và môi trường, phát triển giống cây lâm nghiệp, quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên rừng; (2) Nghiên cứu phát triển công nghệ và dịch vụ về công nghệ mới phục vụ: Phát triển và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai liên quan đến lâm nghiệp, Ứng dụng GIS, viễn thám và công nghệ thông tin trong lâm nghiệp, Quản lý tài nguyên thiên nhiên; (3) Nghiên cứu và thực hiện các đề tài, dự án và nhiệm vụ về quản lý và quy hoạch tài nguyên trong lâm nghiệp, phát triển giống cây lâm nghiệp; (4) Nghiên cứu về Lâm nghiệp xã hội; (5) Nghiên cứu về biến đổi khí hậu và các giải pháp ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu trong lâm nghiệp; (6) Nghiên cứu về chính sách lâm nghiệp phục vụ công tác quản lý, điều hành và phát triển ngành lâm nghiệp; (7) Xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế, kỹ thuật về sinh thái rừng và môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên, giống cây lâm nghiệp theo quy định của pháp luật; (8) Thu thập về lưu giữ các mẫu vật phục vụ nghiên cứu và đào tạo của ngành;
Tập thể lãnh đạo, cán bộ viên chức của Viện Sinh thái rừng và Môi trường chân thành cảm ơn và mong nhận được sự hợp tác và hỗ trợ ngày càng nhiều của Trường Đại học Lâm nghiệp, của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài ngành, các nhà khoa học và đồng nghiệp trên cả nước. Với sự nỗ lực của mình, Viện sẽ tiếp tục có những đóng góp trong nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của trường và của ngành.
(Tác giả: GS. TS. Vương Văn Quỳnh)